doi-thu-canh-tranh

Được thành lập vào năm 1998, cho tới nay, Google đã phát triển vô cùng mạnh mẽ và trở thành “Ông vua tìm kiếm” trên Internet, chiếm tới 80% thị phần tìm kiếm màu mỡ trên toàn thế giới. Tầm ảnh hưởng của Google lớn tới mức Google đã được thêm vào từ điển Oxford như một động từ miêu tả việc tìm kiếm online (“Tôi đang google các diễn đàn học tiếng Việt online”). Tại Việt Nam, nghe có vẻ khá hài hước nhưng Google thậm chí đã “đi vào thơ ca nước nhà”:

“Dân ta phải biết sử ta,

Nếu mà không biết thì tra Google”

Nói vui vậy để có thể hình dung được độ “to” của Google. Tuy vậy, vị thế độc tôn đó lại đang bị ngăm nghe bởi một số cái tên không thể xem thường dưới đây.

1.     Bing

bing-and-google

Tính chất gay cấn của cuộc chiến được thể hiện ngay từ tên gọi của Bing bởi theo nhiều người, Bing là viết tắt của “Bing is not Google” (Bing không phải là Google).

Bị đánh giá là “thứ bỏ đi” ngay từ khi mới ra mắt năm 2008 nhưng rất may mắn cho Microsoft khi Satya Nadella – CEO mới nhất của tập đoàn này đã nhận thấy được tiềm năng của Bing và quyết định đầu tư mạnh mẽ thay vì gạt Bing sang một bên hay bán cho công ty khác.

Quyết định đó đang dần mang lại quả ngọt bởi theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường comSore,  thị phần của Bing trong thị trường tìm kiếm đã tăng trưởng mạnh hơn Google trong quý đầu năm nay. Chính xác hơn, thị phần của Bing đã tăng 0,2% (từ 21,4% lên 21,6%) trong khi thị phần của Google giảm 0,2% (từ 64% xuống còn 63,8%).

Tuy rằng sinh sau đẻ muộn nhưng Bing lại giữ trong tay một số tính năng nổi trội hơn gã khổng lồ. Hãy cùng điểm qua một số các tính năng đó.

Video

Bing cung cấp một giao diện tìm kiếm video trực quan và dễ tương tác hơn Google. Ngoài ra, tính năng Smart Preview của Bing Video cho phép người dùng xem trước một đoạn ngắn của video gốc mà không cần phải click vào link. Tính năng này rất hữu ích bởi nó tiết kiệm thời gian cho người dùng.

bing-video

Giao diện tìm kiếm video của Bing trực quan hơn Google

Du lịch

Bing dành riêng một mục để người dùng có thể lên kế hoạch cho một chuyến du lịch. Được hỗ trợ bởi Orbitz, công cụ tìm kiếm này hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin về các chuyến bay, khách sạn hay các tour cụ thể. Đặc biệt hơn nữa, Bing cung cấp một tính năng vô cùng tuyệt vời đối với các chuyến du lịch, đó là Price Predictor. Price Predictor sẽ ước chừng chi phí cho chuyến du lịch của bạn và đồng thời đưa ra lời khuyên về mức giá hợp lý, giá trung bình hoặc giá đắt cho việc tìm kiếm khách sạn.

2.     Amazon

Amazon-vs-google

Thoạt nghe, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon có vẻ như chẳng dính dáng gì đến việc cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm với Google. Tuy nhiên, đối thủ thực sự khiến ban lãnh đạo Google phải luôn đề cao cảnh giác lại chính là Amazon.

Chủ tịch của Google – Eric Schmidt, trong bài phát biểu của mình tại Berlin năm 2014, đã nhấn mạnh: “Google với tư cách là công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới đang chiếm được lượng thị phần lớn nhưng Amazon lại đang tác động lên Google trong rất nhiều lĩnh vực. Nhiều người cho rằng đối thủ chính của chúng tôi là Bing hoặc Yahoo. Nhưng trên thực tế, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi lại là Amazon.”

“Mọi người chưa bao giờ nghĩ rằng Amazon là công cụ tìm kiếm, nhưng thực tế, nếu bạn đang tìm mua một thứ gì đó trên mạng thì thường là bạn sẽ tìm nó trên Amazon. Năm ngoái, 1/3 lượng người tìm kiếm sản phẩm trên mạng tìm bằng Amazon, gấp đôi lượng người tìm kiếm bằng Google” – Schmidt tỏ ra lo lắng.

Điều khiến ban lãnh đạo của Google lo ngại chính là xu hướng gia tăng của một tập người dùng muốn bỏ qua bước tìm kiếm sản phẩm trên Google. Thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm trực tiếp trên Amazon. Hãy cùng xét một ví dụ đơn giản.

Nếu bạn muốn mua một chiếc áo da, bạn sẽ Google “mua áo da”. Tiếp theo bạn sẽ phân tích và lựa chọn một số trang bán hàng online mà bạn cho rằng đáng tin cậy. Sau đó bạn chọn sản phẩm, đặt vào giỏ hàng, điền thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ nhận hàng.

Trong khi đó, với Amazon, bạn hoàn toàn có thể rút ngắn quá trình mua hàng trực tuyến của mình chỉ với hai bước đơn giản: gõ từ khóa “áo da” trên thanh tìm kiếm và click chuột để chọn mua sản phẩm với thẻ tín dụng bạn đăng ký. Chiếc áo sẽ được chuyển tới địa chỉ của bạn một cách rất nhanh chóng.

Có một thực tế là những tìm kiếm có từ khóa liên quan đến sản phẩm lại mang về một nguồn thu khổng lồ cho Google (qua Google Adwords). Những tìm kiếm này chiếm tới 20% tổng số lượng tìm kiếm trên Google. Vì vậy, quả thực không còn nghi ngờ gì nữa khi nhận định Amazon mới chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Google.

3.     Facebook

facebook-vs-google

Theo báo cáo tài chính quý một năm 2016 của Facebook, lượng tìm kiếm trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này tăng vọt tới 33% chỉ sau vỏn vẹn 9 tháng, đạt mức 2 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày. So sánh với mức 3,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày của Google, con số này chắc chắn sẽ làm ngỡ ngàng nhiều nhà phân tích bởi Facebook không thực sự là một công cụ tìm kiếm chính thống.

Số liệu từ trang đánh giá lưu lượng Parse.ly đã cho thấy rằng Facebook có thể đánh bại Google và giành lấy vị trí số một trong việc thu hút lưu lượng trực tuyến. Tính tới tháng 7 năm 2015, lưu lượng được giới thiệu từ Facebook đã tăng đáng kể, đạt 43% so với Google là 38%.

so-sanh-traffic-giua-facebook-va-google

Lưu lượng trực tuyến của Facebook vượt Google tính đến tháng 07/2015

Chìa khóa cho sự thành công của Facebook chính là công cụ tìm kiếm được cá nhân hóa theo sở thích của từng người dùng. Qua tương tác của người dùng, Facebook sẽ trả về những kết quả tìm kiếm phù hợp và đôi khi “hợp khẩu vị” người dùng hơn so với Google.

Kết luận

Trên chiến trường công nghệ, đối thủ có thể đến từ bất cứ đâu. Vì vậy, nếu không muốn đánh mất vị thế độc tôn của mình, “gã nhà giàu” Google cần phải nỗ lực cải thiện mình hơn nữa, đồng thời phải luôn luôn đề cao cảnh giác.

Là những người dùng trung lập, chúng ta hi vọng cuộc chiến giữa các ông trùm công nghệ sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt hơn. Bởi có như vậy, chúng ta mới có thể được hưởng lợi từ những kết quả kéo theo của cuộc chiến – đó chính là những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt nhất.

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *