Chúng ta cùng nhìn lại xem tính đến 2010, những công cụ Online Marketing nào đã được biết tới nhé! Có lẽ trong quá trình xem lại, bạn sẽ mường tượng được những nét mới của Marketing trực tuyến hiện nay.

  • Trang thông tin điện tử (Website)

Website là giải pháp tiếp thị trực tuyến quen thuộc đối với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã thiết kế website riêng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và quảng bá thương hiệu.

Xây dựng nội dung trang web, viết và biên tập các bài viết liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc chia sẻ bài viết trên các trang website có liên quan là những hoạt động chính của công cụ  này.

  • SEM (Search Engine Marketing)

SEM là viết tắt của Search Engine Marketing – hình thức tiếp thị thông qua các công cụ tìm kiếm. Đây là phương pháp tiếp cận khách hàng bằng cách đưa website của doanh nghiệp hiển thị ở những vị trí đầu trên của trang kết quả của các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, MSN,… Hiện nay, SEM được xem là hình thức tiếp thị hiệu quả do tiết kiệm được chi phí, dễ kiểm soát, minh bạch, đánh giá được tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư.

Phương pháp tiếp thị này có 2 hình thức cơ bản, gồm Pay Per Click – Trả tiền theo số lần nhấp chuột (Click) và Search Engine Optimization (SEO) – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.[3]

a, Pay Per Click – Trả tiền theo số lần nhấp chuột

Đây là cách hiển thị thông điệp quảng cáo trên phần liên kết trong trang kết quả tìm kiếm của Google, Yahoo, MSN… khi người dùng tìm kiếm những từ khóa có liên quan. Doanh nghiệp sẽ trả phí cho mỗi lần công cụ tìm kiếm hướng khách hàng tới website của mình. Việc có nhiều người truy cập vào trang web đồng nghĩa với việc doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội trong việc bán hàng và tạo dựng thương hiệu.

b, SEO – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

SEO là viết tắt của từ Search Engine Optimization (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm). SEO bao gồm một tập hợp các phương pháp nhằm nâng cao thứ hạng của một website trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm một cách tự nhiên, từ đó tiết kiệm được chi phí Pay Per Click. SEO được chia làm hai phần: onpage optimization (là cách xây dựng cấu trúc trang web, nội dung trang web, sự chặt chẽ, kết nối giữa các trang) và off-page optimization (là quá trình phổ biến trang web đến nhiều người). Các nhà tiếp thị sử dụng SEO với mục tiêu chủ yếu là nâng cao thứ hạng của danh sách tìm kiếm miễn phí theo một số từ khóa nhằm tăng lượng truy cập vào trang web.[3, 6]

  • Email marketing – Tiếp thị qua thư điện tử

Đây là phương thức cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ và thu thập phản hồi về sản phẩm, dịch vụ từ khách hàng thông qua email.

Rất nhiều phương thức được sử dung, ví dụ như thường xuyên gửi các newsletter (thư giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp) hoặc phát tán email trên diện rộng những thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Email Marketing là một hình thức của Marketing trực tiếp qua thư tín.

Theo nghiên cứu của Công ty The Radicati Group Inc, tới năm 2009 toàn thế giới có khoảng 1,4 tỷ tài khoản email, trong đó 74% thuộc về người tiêu dùng, 26% thuộc về các doanh nghiệp và tổ chức. Trung bình mỗi năm có thêm 200 triệu tài khoản email được thiết lập. Chính vì vậy, tiếp thị qua thư điện tử được đánh giá là một trong những hình thức tiếp thị trực tuyến thông dụng nhất.

Theo thống kê, trên 90% người sử dụng internet vào đọc email và hơn một nửa trong số họ thực hiện việc đó và hàng ngày. Hầu hết chúng ta dành nhiều thời gian đọc email hơn là lướt web. Email trở thành công cụ được các nhà tiếp thị sử dụng nhiều nhất với 80% nhà tiếp thị kỳ vọng tính hiệu quả của email sẽ tăng lên trong thời gian tới.  [16]

  • Quảng cáo hiển thị trực tuyến

Quảng cáo trực tuyến được coi là một trong những hình thức phổ biến nhất của tiếp thị trực tuyến, bao gồm quảng cáo dạng biểu ngữ (banner), các nút bấm và quảng cáo tài trợ. Quảng cáo hiển thị ngày càng được sử dụng nhiều phương tiện truyền thông phong phú, bao gồm hình ảnh hoạt động

a, Quảng cáo dạng biểu ngữ

Để đạt hiệu quả cao trong hình thức quảng cáo dạng biểu ngữ hay banner, doanh nghiệp cần xác định rõ website đặt quảng cáo và vị trí banner phù hợp nhất. Đây là hai yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công trong việc triển khai hình thức tiếp thị trực tuyến này. Có bốn loại banner đang được sử dụng rộng rãi là banner tĩnh, banner động, banner dạng tương tác và banner dạng rich media.

b, Quảng cáo Interstitial

Quảng cáo Interstitial hay còn gọi là quảng cáo “pop – up” là các quảng cáo xuất hiện trên màn hình và làm gián đoạn công việc của người sử dụng. Loại quảng cáo này có ưu điểm là chắc chắn người sử dụng sẽ biết tới. Tuy nhiên, hình thức này sẽ khiến nhiều khách hàng không hài lòng bởi vì họ phải nhấp chuột để di chuyển hay đóng cửa sổ đó lại khi muốn quay trở lại trang cũ.

c, Quảng cáo bằng các liên kết văn bản (text link)

Quảng cáo textlink thường xuất hiện trong bối cảnh phù hợp với nội dung mà người xem quan tâm, vì vậy nó mang lại hiệu quả mà không tốn nhiều diện tích màn hình. Các quảng cáo textlink còn được đưa ra như là kết quả được tìm thấy đầu tiên của công cụ tìm kiếm khi người dùng tìm kiếm về một vấn đề gì đó.

d, Quảng cáo tài trợ

Quảng cáo tài trợ cho phép nhà quảng cáo thực hiện một chiến dịch thành công mà không cần lôi cuốn nhiều người vào trang web của mình. Với tư cách là một nhà tài trợ, nhãn hiệu của nhà quảng cáo được gắn với một đặc tính cụ thể như một phần của địa chỉ hoặc được giới thiệu như một nhãn hiệu được yêu thích nhất của một trang hay một địa chỉ. Tuy nhiên, xác định rõ mối quan hệ giữa thị trường mục tiêu mà quảng cáo muốn nhằm đến với đối tượng khách hàng của các trang web và tạp chí điện tử là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chiến dịch quảng cáo tài trợ,

  • Mobile marketing (m- marketing)

Mobile marketing là việc sử dụng các kênh thông tin di động làm phương tiện phục vụ cho các hoạt động marketing. Mobile marketing có khả năng tương tác, đối thoại hai chiều với ngươi tiêu dùng với tốc độ nhanh, chính xác. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể gửi phản hồi cho nhà tiếp thị ngay khi nhận được thông điệp tiếp thị. Công cụ này có thể tích hợp các công cụ truyền thông khác như: Truyền hình, báo, đài phát thanh, tờ rơi, áp- phích, …

Mobile marketing được thực hiện dưới các hình thức: SMS, PSMS, MMS, WAP.

  • Viral marketing

Viral marketing còn được gọi là tiếp thị lan truyền. Viral marketing được định nghĩa dựa trên nguyên tắc lan truyền thông tin, cũng tương tự như cách thức virus lan truyền từ người này sang người khác với tốc độ theo cấp số nhân. Với chiến lược tiếp thị lan truyền, thông điệp của công ty được bùng nổ tới hàng nghìn, hàng vạn lần.

Viral marketing sử dụng tất cả các hình thức của truyền thông được thực hiện trên môi trường Internet như các đoạn video, trò chơi trực tuyến, sách điện tử, tin nhắn văn bản… nhưng phổ biến hơn cả vẫn là sử dụng các mạng xã hội, diễn đàn, blog, bản tin và thư điện tử.

  • Kênh truyền thông xã hội (Social Media Marketing)

Social Media Marketing là hình thức truyền thông mới, thường được gọi là truyền thông xã hội hay truyền thông đại chúng với mục đích tập trung các thông tin có giá trị của những người tham gia dựa trên nền tảng các dịch vụ trực tuyến. Truyền thông xã hội là quá trình tác động đến hành vi của con người trên phạm vi rộng, sử dụng các nguyên tắc tiếp thị với mục đích mang lại lợi ích xã hội hơn là lợi nhuận thương mại.

Truyền thông xã hội được thể hiện dưới hình thức là các mạng giao lưu chia sẻ thông tin cá nhân như Facebook, Yahoo 360, Tam tay, YuMe,… hay các mạng chia sẻ tài nguyên cụ thể như hình ảnh (tại các trang photobooket.com, flickr.com, anhso.net…), đoạn phim (tại trang youtube.com, hay clip.vn), tài liệu (truy cập các trang scribb.com, tailieu.vn…). Trong đó, Facebook và Zingme đang được coi là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam.

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *